Cho thuê tài chính là gì? Hạch toán kế toán cho thuê tài chính trong Doanh nghiệp

 I. Kế toán cho thuê tài chính là gì?
Trước khi tìm hiểu kế toán cho thuê tài chính, Quý khách hàng cầm nắm rõ thông tin về loại hình cấp tín dụng này để có cái nhìn khách quan hơn.
Cho thuê tài chính là hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối với tài sản cho người thuê. Có thể hiểu là người thuê có toàn quyền sử dụng tài sản cho hoạt động kinh doanh để thu về lợi nhuận. Người thuê có nghĩa vụ trả tiền gốc và lãi suất vào thời gian nhất định. Khi hết hạn thuê tài chính mà người thuê đã hoàn thành thanh toán theo hợp đồng, quyền sở hữu tài sản sẽ chuyển giao cho người thuê.
Hạch toán kế toán cho thuê tài chính là nghiệp vụ được thực hiện tại những công ty có phát sinh giao dịch cho thuê tài chính. Mỗi bước ghi tài khoản hạch toán thuê tài chính đều phải tuân theo thông thông tư số 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

* Chứng từ sử dụng

Ngoài các chứng từ ghi sổ thông thường, trong kế toán cho thuê tài chính còn sử dụng các chứng từ gốc như sau:
• Hợp đồng cho thuê tài chính.
• Hoá đơn dịch vụ cho thuê tài chính (mẫu theo phụ lục đính kèm).
• Hoá đơn mua tài sản để cho thuê tài chính: gồm hoá đơn mua hàng trong nước và hoá đơn hàng nhập khẩu.
• Hoá đơn thuế GTGT/chứng từ nộp thuế GTGT của hàng nhập khẩu theo quy định hiện hành.

II. Cách hạch toán kế toán đối với tài sản cố định thuê tài chính

Hạch toán kế toán cho thuê tài chính đối với doanh nghiệp đi thuê được quy định tại khoản 3, điều 36, thông Thông tư số 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
1. Hạch toán tài sản cố định thuê tài chính đối với bên đi thuê

➤ Hạch toán các chi phí liên quan đến tài sản cố định thuê tài chính.
Các chi phí trực tiếp phát sinh lúc ban đầu liên quan đến TSCĐ thuê tài chính trước khi nhận tài sản cho thuê như: chi phí khi đàm phán, khi mà ký kết hợp đồng… kế toán phải hạch toán:
• Nợ TK 242: Trị giá các chi phí phải trả;
• Có các TK 111, 112…: Trị giá các loại chi phí phải trả.

➤ Hạch toán tiền thuê tài chính ứng trước hoặc ký quỹ đảm bảo việc thuê các tài sản.
• Nợ TK 3412: Số tiền thuê trả trước;
• Nợ TK 244: Số tiền ký quỹ, ký cược;
• Có các TK 111, 112…: Trị giá tổng tiền phải trả.

➤ Khi Doanh nghiệp tiến hành nhận TSCĐ cho thuê tài chính, căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản, các chứng từ có liên quan khác phản ánh trị giá TSCĐ thuê tài chính theo giá chưa có thuế VAT đầu vào, kế toán hạch toán:
• Nợ TK 212: Giá trị TSCĐ cho thuê tài chính theo giá chưa có thuế VAT;
• Có TK 3412: Giá trị TSCĐ cho thuê tài chính theo giá chưa có thuế VAT.

➤ Trị giá chi phí trực tiếp ban đầu liên quan tới hoạt động cho thuê tài chính được ghi nhận vào nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính, hạch toán:
• Nợ TK 212: Trị giá chi phí trực tiếp ban đầu liên quan;
• Có TK 242: Chi phí trực tiếp đã được trả trước khi nhận bàn giao tài sản;
• Có các TK 111, 112…: Chi phí trực tiếp ban đầu liên quan.

➤ Hàng kỳ, khi doanh nghiệp trả nợ gốc, tiền lãi thuê cho bên cho thuê, hạch toán:
• Nợ TK 635: Trị giá của tiền lãi thuê trả kỳ này;
• Nợ TK 3412: Trị giá của nợ gốc trả kỳ này;
• Có các TK 111, 112…: Trị giá tiền phải trả.

➤ Khi doanh nghiệp nhận hóa đơn chứng từ của bên cho thuê yêu cầu thanh toán khoản thuế VAT đầu vào, có 2 trường hợp xảy ra:
• Trường hợp 1: Trường hợp thuế VAT được khấu trừ, hạch toán:
o Nợ TK 1332: Trị giá thuế VAT được khấu trừ;
o Có TK 112: Trị giá tiền phải trả ngay;
o Có TK 338: Trị giá thuế VAT đầu vào phải trả bên cho thuê.

• Trường hợp 2: Trường hợp thuế VAT đầu vào không được khấu trừ, kế toán hạch toán:
o Nợ TK 212: Trị giá TSCĐ cho thuê tài chính (thanh toán thuế VAT được thực hiện một lần ngay tại thời điểm ghi nhận TSCĐ cho thuê tài chính);
o Nợ các TK 627, 641, 642: Số tiền phải trả (thanh toán theo định kỳ nhận hóa đơn);
o Có TK 112: Số tiền phải trả;
o Có TK 338: Trị giá thuế VAT đầu vào phải trả bên cho thuê.

➤ Khi doanh nghiệp phải trả phí cam kết sử dụng vốn phải trả cho bên cho thuê TSCĐ, hạch toán:
• Nợ TK 635: Phí cam kết sử dụng vốn phải trả;
• Có các TK 111, 112…: Phí cam kết sử dụng vốn phải trả.

➤ Khi bên thuê trả lại TSCĐ thuê tài chính theo quy định của hợp đồng thuê, kế toán ghi giảm giá trị TSCĐ thuê tài chính, hạch toán:
• Nợ TK 2142: Trị giá hao mòn của TSCĐ;
• Có TK 212: Trị giá hao mòn của TSCĐ.

➤ Khi Doanh nghiệp đi thuê chỉ thuê hết một phần của giá trị tài sản, sau đó mua lại thì khi nhận tài sản, Kế toán ghi nhận giảm TSCĐ thuê tài chính và ghi tăng TSCĐ hữu hình, hạch toán:
• Nợ TK 211: Trị giá của TSCĐ hữu hình;
• Có TK 212: Trị giá còn lại của TSCĐ thuê tài chính;
• Có các TK 111, 112…: Trị giá số tiền phải trả thêm.

➤ Đồng thời kế toán chuyển trị giá hao mòn, kế toán hạch toán:
• Nợ TK 2142: Giá trị hao mòn của TSCĐ thuê tài chính;
• Có TK 2141: Giá trị hao mòn của TSCĐ thuê tài chính.
2. Hạch toán TSCĐ thuê tài chính đối với bên cho thuê

➤ Khi bàn giao TSCĐ cho bên đi thuê, hạch toán:
• Nợ TK 228: Trị giá TSCĐ cho thuê;
• Nợ TK 214 (2141, 2143): Giá trị hao mòn TSCĐ (nếu có);
• Có TK 211, 213: Giá trị nguyên giá TSCĐ cho thuê;
• Có TK 241: Giá trị XDCB hoàn thành sang cho thuê (đối với TS đang trong giai đoạn XDCB).

➤ Định kỳ (hàng tháng, quý, năm) theo hợp đồng thuê, kế toán phản ánh số tiền thu về cho thuê trong kỳ (cả vốn lẫn lãi):
• Nợ TK 111, 112, 1388...: Tổng số thu được từ bên đi thuê;
• Có TK 711, 511, 515: Số tiền thu về từ cho thuê TSCĐ;
• Có TK 3331 (33311): Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời kế toán xác định giá trị TS cho thuê phải thu hồi trong quá trình đầu tư của từng kỳ.
• Nợ TK 811:Giá trị TSCĐ thu hồi;
• Có TK 228: Giá trị TSCĐ thu hồi.

➤ Nếu bên cho thuê bán TS cho bên đi thuê trước khi hết hạn hoặc khi hết hạn cho thuê.
• Kế toán phản ánh số thu về chuyển nhượng tài sản:
o Nợ TK 111, 112, 131… Trị giá số thu về;
o Có TK 711: Trị giá số thu về.

• Kế toán phản ánh số vốn đầu tư còn lại chưa thu hồi:
o Nợ TK 811: Trị giá chưa thu hồi;
o Có TK 228: Trị giá chưa thu hồi.

➤ Nếu bên cho thuê nhận lại TS khi hết thời hạn cho thuê, căn cứ giá trị được đánh giá lại (nếu có), hạch toán:
• Nợ TK 211, 213: Giá trị đánh giá lại hoặc giá trị còn lại;
• Nợ TK 811 (hoặc có TK 711): Phần chênh lệch giữa GTCL chưa thu hồi với giá trị được đánh giá lại;
• Có TK 228: GTCL chưa thu hồi.

Các văn bản hướng dẫn :

Thông tư số 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

Văn bản hợp nhất Thông tư hướng dẫn thuế GTGT mới nhất là Văn bản hợp nhất 21/VBHN-BTC năm 2021.

Thông tư 26/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp

Thông tư 26/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho thuê tài chính của công ty tài chính tổng hợp ban hàng ngày 01/07/2024.